Văn hóa ứng xử với công việc trong công ty có vai trò, ảnh hưởng rất lớn đến thái độ làm việc, tâm lý, môi trường cũng như năng suất lao động chung.
Trong công ty mỗi người được phân công phụ trách một lĩnh vực, không nên xen vào công việc của người khác khi chưa có sự đề nghị hỗ trợ giúp đỡ hay được yêu cầu, tránh gây khó chịu cho đồng nghiệp.
Văn hóa ứng xử với công việc giúp ta ứng xử một cách linh hoạt, đóng góp tích cực cho công việc của cá nhân mình và cho cả doanh nghiệp. Thực hiện công việc đúng tiến độ: phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện công việc của mình cho đúng tiến độ đã đề ra. Lắng nghe để biết những gì mình chưa biết, để trau dồi cho mình kiến thức, để nhận biết những mặt mạnh, mặt yếu của một vấn đề, đồng thời quan tâm về những phương pháp mà đồng nghiệp của mình tin vào đó.
Sẵn sàng nhận thêm những nhiệm vụ mới và sáng tạo nhiều hơn mức là cấp trên mong đợi, không tự hài lòng với công việc hiện tại, luôn tìm tòi những lĩnh vực mà mình cho rằng có thể làm tốt hơn. Khi trình bày một vấn đề cũng nên đề ra một số giải pháp có thể thực hiện được, đừng nên phàn nàn về những nguyên tắc không thể thay đổi được, không nên đổ lỗi cho người khác khi mình mắc lỗi, và phải đảm bảo là sai lầm đó không được phép xảy ra nữa.
BỘ QUI TẮC ỨNG XỬ VĂN HÓA EVN
Điều 12. Làm việc với phong cách chuyên nghiệp, hiệu quả
1. Xây dựng môi trường làm việc tin cậy và chuyên nghiệp
a) Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh và chuyên nghiệp, thân thiện, cởi mở, tôn trọng, thẳng thắn.
b) Cán bộ lãnh đạo, quản lý làm gương về tác phong, lề lối làm việc; tôn trọng ý kiến cấp dưới và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
c) Đề cao trách nhiệm cá nhân, toàn tâm toàn ý trong công việc.
d) Làm việc có mục tiêu, kế hoạch; chủ động tìm kiếm giải pháp thực thi công việc.
e) Giải quyết bất đồng, mâu thuẫn theo tinh thần xây dựng; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để các bất đồng, mâu thuẫn, tồn tại ở đơn vị mà không nỗ lực giải quyết.
2. Chủ động học hỏi, thích ứng nhanh với sự thay đổi
a) Tích cực học hỏi với phương châm: “Khi nói biết là đã hiểu và khi nói hiểu là sẽ làm được”. Luôn lắng nghe, tiếp thu góp ý với tinh thần cầu thị.
b) Thích ứng nhanh và chủ động thay đổi để nâng cao hiệu quả công việc.
c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chủ động dẫn dắt thay đổi, lắng nghe, ghi nhận, cam kết, ủng hộ thực hiện những thay đổi có lợi cho tổ chức.
3. Đề cao hiệu quả công việc và tinh thần làm việc nhóm
a) Thường xuyên đánh giá, cải thiện và tối ưu hoá các quy trình làm việc.
b) Đánh giá, phân tích kỹ để giải quyết triệt để các vấn đề trong công việc.
c) Cùng nhau cởi mở, chia sẻ và cộng tác hiệu quả trong công việc.
4. Tận dụng sức mạnh của công nghệ và dữ liệu
a) Chủ động nghiên cứu, tìm tòi để làm chủ công nghệ, liên tục cải tiến các giải pháp kỹ thuật và quản lý.
b) Số hoá, tự động hoá tối đa các quy trình công việc.
c) Phân tích, đánh giá, báo cáo, dự báo và ra quyết định dựa trên dữ liệu.