Tại buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện do Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức chiều 11/10/2024 đã làm rõ các thông tin về mức điều chỉnh và tác động của việc tăng giá điện đến từng nhóm đối tượng khách hàng sử dụng điện.
Ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương và ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng giám đốc EVN chủ trì buổi trao đổi.
Tham dự chương trình còn có đại diện Bộ Công an, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đại diện các cơ quan báo chí.
Ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1046/QĐ-EVN ngày 11/10/2024 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 11 tháng 10 năm 2024. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Tại buổi trao đổi thông tin, ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh EVN cũng đã công bố Quyết định số 2699/QĐ-BCT Bộ Công Thương ngày 11/10/2024 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực phát biểu
|
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, việc điều chỉnh giá điện được dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Việc điều chỉnh tăng giá điện được thực hiện trong từng giai đoạn, đây cũng là một trong những mục tiêu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian dài.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho biết, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành đã được Chính phủ và Bộ Công Thương cân đối để không tác động nhiều đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam trao đổi thông tin với các phóng viên, nhà báo
|
Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 815.000 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Với khách hàng kinh doanh dịch vụ (có khoảng 547.000 khách hàng), mức tăng trung bình mỗi khách hàng trong là 247.000 đồng/tháng.
Còn với khách hàng sản xuất (cả nước có khoảng 1,921 triệu khách hàng), sau điều chỉnh giá từ ngày 11/10/2024, mỗi khách hàng sẽ trả thêm trung bình là 499.000 đồng/tháng.
Với các khách hàng hành chính sự nghiệp (tổng số 691.000 khách hàng), sau khi đổi giá, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm 91.000 đồng/tháng.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cũng cho biết, việc điều chỉnh tăng giá điện 4,8% sẽ làm tăng CPI khoảng 0,04%, là mức tăng rất thấp và đã được Chính phủ, Bộ Công Thương tính toán để không tác động nhiều đến nền kinh tế đất nước.
Thời gian qua Tập đoàn đã triệt để thực hiện tiết kiệm, tối ưu hóa chi phí. Cụ thể, EVN và các đơn vị trực thuộc đã tiết kiệm 10-15% các chi phí định mức thường xuyên, tiết giảm 20-50% chi phí sửa chữa lớn; mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính nhưng EVN luôn nỗ lực để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.